Nuôi loài cá săn mồi ở Nghệ An, con nào cũng to bự, bán giá tốt, có từng nào thương lái cân hết

Cá vược loài săn mồi hung dữ, nuôi trong ao con nào cũng to bự

Cá Vược là loài thủy sản dễ thích nghi với môi trường sống chủ yếu phát triển vùng nuôi nước mặn, nước lợ.

Trong môi trường tự nhiên, cá vược là loài săn mồi hung dữ, sinh trưởng và phát triển nhanh.

Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Cá vược trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn cho các cơ sở nuôi thủy sản cả quy mô nhỏ và quy mô lớn.

Anh Hoàng Văn Kỷ (trú tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) là một trong những người tiên phong nuôi cá vược tại địa phương. Đến nay, gia đình anh Kỷ đã có 10 năm gắn bó với loài cá này. Trước khi nuôi cá vược, anh Kỷ cũng đã thử nuôi các loài hải sản khác nhưng hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng.

“So với các loài thủy sản khác thì nuôi cá vược rủi ro thấp hơn vì loài cá này có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Trước tiên, mình phải chọn cá giống đảm bảo, được kiểm định chặt chẽ về chất lượng. Khi nuôi cá vược, mình chỉ cần giữ vệ sinh ao, thả cá với mật độ phù hợp là cá có thể phát triển tốt”, anh Hoàng Văn Kỷ chia sẻ.

Xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An hiện có 35 hộ dân nuôi cá vược. Nghề nuôi cá vược đang giúp người dân nơi đây có thu nhập tốt. Ảnh: N.L

Cá vược là loài có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, thích nghi tốt với môi trường. Ảnh: N.L

Người dân xã Diễn Vạn mỗi năm chỉ thả cá giống một vụ vào khoảng tháng 3, thu hoạch từ cuối tháng 12. Đến thời điểm thu hoạch, cá vược đạt trọng lượng trung bình từ 3 đến 5kg.

Anh Kỷ ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An thường mua những loài cá tạp về để làm thức ăn cho cá vược. Nhờ thế, thịt cá vược dai, thơm ngon hơn hẳn. Ảnh: N.L

“Mỗi vụ, tôi thả khoảng 1.500 con cá vược giống. Tỷ lệ cá sống rất cao, đạt từ 80 đến 90%. Sau khi trừ các chi phí, mỗi vụ nuôi cá vược tôi có lãi hơn 50 triệu đồng”, anh Kỷ chia sẻ thêm.

Thay vì sử dụng thức ăn công nghiệp, anh Kỷ thường mua những loài cá tạp của ngư dân đánh bắt về để làm thức ăn cho cá vược. Nhờ thế, thịt cá vược dai, thơm ngon hơn hẳn.

“Khi ngư dân đánh bắt ngoài biển về thì họ liên hệ sớm để mình đến mua. Vì thế, nguồn thức ăn cho cá vược cũng tươi, ngon, đảm bảo an toàn. Sử dụng thức ăn tươi thì thịt cá sẽ chất lượng, khách hàng cũng ưa chuộng hơn.

Quy hoạch đồng bộ để nghề nuôi cá vược giúp người dân phát triển kinh tế

Hiện, người dân xã Diễn Vạn đang bán cá vược thương phẩm hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg. Cá vược chủ yếu được bán cho các thương lái tại chợ địa phương, nhà hàng và khách buôn lẻ quen biết.

Sau khoảng 9 tháng nuôi, cá vược đạt trọng lượng từ 3 đến 5 kg. Hiện, người dân xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An đang bán cá vược thương phẩm với giá 120.000 đồng/kg. Ảnh: N.l

Ông Ngô Sỹ Nam – Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Diễn Vạn là xã ven biển, có nhiều thuận lợi để nuôi trồng thủy sản.

Để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình phát triển nghề nuôi cá vược, Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi cá vược cho bà con.

Đồng thời, Hội Nông dân xã cũng tạo điều kiện cho các hộ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để cải tạo hồ, mua sắm trang thiết bị, vật tư. Qua đó, giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thêm thu nhập”.

Hiện, Hội Nông dân xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng như chính quyền địa phương đang kết nối, tìm đầu ra ổn định cho con cá vược. Đồng thời, địa phương cũng quy hoạch vùng nuôi hợp lý, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, để nghề nuôi cá vược sẽ là hướng đi lâu dài trong phát triển kinh tế tại địa phương.


Nguồn: https://danviet.vn/nuoi-loai-ca-san-moi-o-nghe-an-con-nao-cung-to-bu-ban-gia-tot-co-tung-nao-thuong-lai-can-het-d1341670.html